Tôi có người bạn tên Kiên làm chung cơ quan hơn 20 năm. Cùng tuổi, cùng nhà quê lên phố, “đơn thương độc mã” ở phố thị nên chơi thân với nhau. Nhiều lần định theo Kiên về Đức Phổ, Quảng Ngãi thăm gia đình Kiên nhưng rồi vẫn chưa đi được. Hôm rồi, nó kêu gia đình tổ chức mừng thọ cho Bố, tôi sắp xếp về Đức Phổ chơi.
Lâu nay, tôi thường đi lại bằng máy bay, xe riêng hoặc xe khách. Đây là lần thứ 2 tôi đi tàu sau lần cách nay hơn 20 năm, trong chuyến đi vào Nam. So với hồi xưa, giờ đây tàu hiện đại, sạch sẽ và tiện nghi hơn rất nhiều. Chất lượng dịch vụ, thái độ của nhân viên cũng thay đổi tốt hơn. Việc mua vé thuận tiện, chỉ cần gọi Tổng đài bán vé tàu hoả 1900 636 212. Nhận vé qua tin nhắn, qua zalo, email … thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng, rất tốt.
Tàu SE6 rời ga Sài Gòn lúc 15h30, chúng tôi ngồi nhâm nhi cafe, ôn lại những năm tháng tuổi thơ khó nhọc ở quê.
Gia đình Kiên là diêm dân, đồng muối Sa Huỳnh quê Kiên là vựa muối lớn ở Nam Trung Bộ. Làm muối là nghề truyền thống của người dân ở đây, tồn tại hơn 100 năm nay. Kiên cũng là người làm muối từ nhỏ, một buổi đi học, một buổi ra đồng muối phụ bố mẹ.
Câu chuyện của Kiên làm tôi nhớ lại “Thằng Vược” trong câu chuyện cùng tên. Chuyện kể về cậu bé Vược tại một làng chuyên nghề làm muối ở miền Trung thời kỳ chống Mỹ. Làng của Vược là một vùng căn cứ cách mạng, Ông và Cha của Vược tham gia đội du kích. Cuộc sống của Vược chỉ loanh quanh trong làng, đi học, làm muối và giúp đội du kích. Với lợi thế nhỏ tuổi, nhanh nhẹn và gan dạ, Vược và nhóm bạn đã giúp đội du kích làm nhiều việc như giao liên, tiếp tế và cả làm trinh sát, nắm tình hình. Câu chuyện mộc mạc, bình dị và cao cả của “Thằng Vược” đã giúp tôi cảm thấy tuổi thơ của mình sung sướng và hạnh phúc hơn rất nhiều bạn dù rằng còn rất khó khăn.

Tàu đến ga Đức Phổ lúc 6h10, chúng tôi bắt xe buýt về nhà. Nhà Kiên, một căn nhà ngói khá rộng, nằm gần cánh đồng muối. Bố Kiên nay 90 tuổi, hơi gầy và đen nhưng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông là diêm dân, sinh ra và lớn lên, làm muối ở Sa Huỳnh.
Lễ mừng thọ bố Kiên đơn giản, ngắn gọn và đầm ấm. Anh em họ hàng và lối xóm đến chúc thọ, nói chuyện làng quê, chuyện làm muối và đi biển.
Xong việc, tôi và Kiên đi bộ quanh làng và ra ruộng muối. Đồng muối trải dài trên diện tích lên tới 120 ha, với những ô ruộng nhỏ nói tiếp nhau. Mặt nước trên các ruộng lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời, tỏa sáng cả một khoảng không rộng lớn. Trên mặt ruộng, vô số những đụn muối trắng tinh như những quả núi nhỏ, cùng những quang gánh tre tần tảo của diêm dân dưới ánh nắng vàng quyến rũ tạo thành một bức tranh thủy mặc bình bị, đơn sơ mà cuốn hút.
Kiên kể rằng, người dân làng muối có khả năng dự báo thời tiết rất chính xác. Họ nhìn trời, nhìn trăng sao và các hiện tượng xung quanh như côn trùng, kiến… Là có thể biết ngày mai hay những ngày sắp tới thời tiết ở đây sẽ như thế nào. Họ còn dự báo thời tiết tuần tới, tháng tới, từ đó chủ động sắp xếp công việc của mình.

Người dân nơi đây từ 5 giờ sáng đã ra ruộng muối làm việc. Căn cứ theo mực nước triều, họ lấy nước nước biển từ kênh, mương vào bọng nước, rồi thả từ từ xuống đồng. Khi nước đầy ắp và trải đều trên sân phơi thì rắc muối mồi, nắng lên nước mặn từ từ kết tinh thành muối. Đồng muối chỉ hoạt động khi nước biển trong xanh và thủy triều dâng lên hạ xuống đúng chu kỳ. (Khoảng từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 dương lịch hàng năm). Và muối chỉ có thể làm vào những ngày nắng to, những hôm trời âm u hay có mưa, cánh đồng muối trở nên trơ trọi và “cô đơn”. Vì những đòi hỏi về điều kiện làm muối nên họ trở thành nhà dự báo thời tiết “chuyên nghiệp”.
Theo kinh nghiệm của diêm dân, muốn muối có hạt to và trắng thì phải canh qua 3 nắng. Khi cả đồng muối khô trắng thì bắt đầu thu hoạch. Họ phải cào, sàng muối giữa cái nắng chói chang 40 độ thì muối mới đạt chuẩn và ngon nhất.
Phương tiện vận chuyển ở đồng muối là những chiếc xe máy tự chế với tiếng nổ đặc trưng. Đây là những chiếc xe máy cũ chế thành phương tiện chuyên chở muối thay cho những đôi quang gánh. Mỗi chiếc xe có thể chở được 5 bao muối, giúp cuộc sống của người dân đỡ vất vả hơn.
Người dân nơi đây rất thân thiện, họ luôn chào đón bạn với nụ cười tươi rói trên môi. Trên đồng muối, lao động chủ yếu là phụ nữ và những người luống tuổi. Ở đây, thanh niên lớn lên thường lựa chọn ra đi, ít người gắn bó với nghề làm muối.
Chiều xuống, chúng tôi ghé tắm biển. Biển Sa Huỳnh dài khoảng 5km có dáng cong lưỡi liềm như ôm trọn núi rừng Quảng Ngãi. Bờ biển cát vàng mịn, bãi tắm thoai thoải không có đá ngầm, làn nước trong xanh cùng hàng dương rì rào trong gió. Một điểm lý tưởng để tắm biển và là điểm “check-in” tuyệt vời.
Sáng hôm sau, chúng tôi ghé thăm khu di tích Văn Hoá Sa Huỳnh. Nơi đây có phòng trưng bày ngoài trời, nhà trưng bày hiện vật khai quật được tại các địa phương như mộ chum, mộ đất, mộ vò… với cấu trúc rất độc đáo.]
Văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa được xác định xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2. Đây là một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với Văn hóa Đông Sơn và Văn hóa Đồng Nai.
Văn hoá Sa Huỳnh được người Pháp phát hiện lần đầu vào năm 1909. Khi tiến hành khai quật ở đầm An Khê (đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh) họ một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi Di tích khảo cổ đó là Kho Chum Sa Huỳnh. Sau đó, nền văn hóa Sa Huỳnh đã được các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế tiến hành nghiên cứu với nhiều cuộc khai quật, trong đó di tích gò Ma Vương (còn gọi là Long Thạnh Đức Phổ), được xem là có niên đại sớm nhất của nền văn hóa Sa Huỳnh.
Qua các cuộc khai quật, nghiên cứu ngày càng xác định được diện mạo một nền văn hóa đặc sắc. Cuộc sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung dần được làm sáng tỏ. Nhiều giả thuyết cho rằng văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm. Kéo dài từ hậu kỳ thời đại đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nó còn có sự ảnh hưởng và giao lưu với nhiều vùng Đông Nam Á, Trung Hoa và Ấn Độ.
Dân cư cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh định cư chủ yếu ở lưu vực các con sông dọc bờ biển miền Trung, trải dài từ Quảng Bình cho đến Phú Yên. Họ thuộc một nguồn gốc văn minh lúa nước Đông Nam Á và theo tín ngưỡng thờ mẫu. Ngày nay tín ngưỡng thờ mẫu vẫn còn tồn tại ở một số vùng ở miền Trung và Tây Nguyên.
Tập tục độc đáo của cư dân Sa Huỳnh chính là tập tục chôn người chết trong các chum lớn. Người chết được táng trong chum với tư thế ngồi bó gối như một hiện tượng được sống tiếp với thế giới cõi âm. Đồ tùy táng là đồ trang sức bằng đá quý, pha lê, bằng thuỷ tinh, bằng đồng …
Người Sa Huỳnh cổ là những cư dân nông nghiệp và đi biển. Họ đã có một nền sản xuất hàng hóa cùng với sự giao thương khá phát triển. Người Chăm đã biết khai thác trầm hương, quế, ngà voi, sừng tê, dầu rái, ngọc, vàng trên núi. Họ trồng hồ tiêu, làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm.
Họ làm thuyền to gọi là nốôc (bàu) và thuyền nhỏ gọi là tròong (ghe) để đánh cá biển và buôn bán đường biển trên vùng Đông Nam Á, từ ven biển Trung Quốc xuống tới Ấn Độ Dương. Hai cảng Cửa Việt, Cửa Tùng đã từng là hải cảng quốc tế từ trước khi Lâm Ấp hình thành. Lâm Ấp là một thời kỳ của Vương quốc Champa, hình thành từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên.
Cư dân nền văn hoá Sa Huỳnh rất khéo tay và có mỹ cảm tuyệt vời. Thủy tinh nhân tạo là một thành tựu rực rỡ của họ, là một trong những nơi làm ra thủy tinh nhân tạo sớm trên thế giới. Cư dân dùng cát trắng để nấu thủy tinh làm bát, lọ và đặc biệt những chuỗi hạt trang sức. Chúng đa dạng về kiểu dáng và phong phú về màu sắc như xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu.

Nổi bật trong những vật trang sức của người Sa Huỳnh là khuyên tai. Khuyên tai ba mấu dịu dàng, tinh tế và duyên dáng dành cho phụ nữ. Khuyên tai hai đầu thú thể hiện chất dũng mãnh, kiêu hãnh và cường tráng dành cho nam giới. Những vật trang sức chế tác từ đá, mã não và thủy tinh có thể nói là những tinh hoa đặc sắc nhất mà nền văn minh này sáng tạo ra và được phổ biến khắp vùng Đông Nam Á. Người ta đã tìm thấy khuyên tai ba mấu, hai đầu thú ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Đài Loan.
Đồ gốm Sa Huỳnh, phần nhiều là các đồ đựng như bát, bình có chân đế…. Đồ gốm Sa Huỳnh được tạo dáng thanh nhã, cân đối, hoa văn phong phú, sinh động thể hiện một tâm hồn tinh tế và giàu xúc cảm. Trong các di chỉ mộ táng, phổ biến là mộ chum chứa nhiều đồ trang sức bằng đồng, đá quý, thủy tinh, đặc biệt là loại khuyên tai ba mấu nhọn và khuyên tai hai đầu thú. Các đặc trưng Văn hóa Sa Huỳnh cũng được thấy ở các di chỉ trong lưu vực sông Đồng Nai. Có nơi còn có những đặc trưng xưa hơn, khảo cổ học gọi là văn hóa thời tiền Sa Huỳnh.
Chuyến đi về Đức Phổ giúp tôi hiểu hơn về nghề làm muối và cuộc sống của diêm dân. Hiểu thêm về vương quốc Champa và nền văn hoá lâu đời và phong phú của họ.
Chúng tôi trở lại TP. Hồ Chí Minh trên chuyến tàu SE5, trở về với cuộc sống thường ngày, chuẩn bị cho những chuyến đi khác, về với những vùng đất khác với những nét văn hoá đặc sắc.
Ký sự tàu hỏa số 06